Hai năm qua, EDTECH có nhiều thời điểm bị mất đà tăng trưởng do bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô nói chung cũng như những ảnh hưởng tiêu cực do COVID-19 mang lại tác động lên thế giới, tuy nhiên , lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech) toàn cầu được dự báo vẫn sẽ tiếp tục đi lên. Với sự ra đời của nhiều công nghệ mới có tính ứng dụng thực tiễn cao trong cuộc sống con người, vì vậy rất có thể chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến thêm nhiều xu hướng Edtech nổi bật sẽ ra mắt trong giai đoạn tới, thúc đẩy sự phát triển của học tập trực tuyến. Hãy cùng Cyber Uni tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
a. Tiếp tục đầu tư vào công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến
Dễ thấy, ngày càng có nhiều tổ chức giáo dục, doanh nghiệp hay các chính phủ ưa chuộng hình thức đào tạo trực tuyến và dạy học online. Bên cạnh đó, theo một thống kê của một tổ chức quỹ đầu tư uy tín, ước tính sẽ có thêm gần 500 triệu sinh viên tốt nghiệp sẽ tham gia thị trường trong thập kỷ tới. Điều này càng làm gia tăng nhu cầu về các khóa học kỹ năng đào tạo trực tuyến, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động trong thực tế. Với những tiềm năng to lớn này, lĩnh vực công nghệ giáo dục được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc và thu hút thêm nhiều hoạt động đầu tư hơn nữa trong những năm tiếp theo.
b. Đầu tư hơn vào trải nghiệm học tập cá nhân hóa
Xác định được sở thích, phong cách học tập cũng như khả năng tiếp thu của học sinh để đưa ra phương pháp học phù hợp với từng cá nhân chính là các hoạt động trong quá trình xây dựng lộ trình cá nhân hóa học tập. Tuy nhiên, quá trình này hiện phần lớn vẫn đang diễn ra theo cách thủ công nên hiệu quả thực sự mang lại chưa cao.
Ngoài ra, khi ứng dụng công nghệ mới, các hoạt động cá nhân hóa học tập cũng sẽ diễn ra tự động và trên quy mô lớn. Các giải pháp học tập đó đều được dựa trên AI phân tích dữ liệu, từ đó sẽ phân tích ra được hành vi và kết quả học tập của học sinh, đề xuất cần đào tạo thêm những kỹ năng gì, kiến thức gì để học sinh có thể tự trau dồi và cải thiện, qua đó nâng cao trải nghiệm và cải thiện kết quả học tập.
c. Ứng dụng phương pháp “Lấy học sinh làm trung tâm”
Hiện nay, xu hướng học sinh đó là thích được học theo tốc độ của bản thân, bởi các bạn sẽ không phải “gồng mình” để theo kịp tốc độ tiếp thu của các bạn khác trong lớp. Áp dụng phương pháp đào tạo “lấy học sinh làm trung tâm” vào đào tạo trực tuyến sẽ giống như một mũi tên trúng 2 đích, vừa đáp ứng được yêu cầu học tập cá nhân hóa, vừa giúp tăng hiệu quả đào tạo trực tuyến khi có thể ứng dụng AI để tối ưu việc hỗ trợ học sinh.
Đây cũng được xem như một mô hình tự học có hướng dẫn. Phần lớn thời gian học sinh sẽ chủ động học tập, còn lại giáo viên sẽ hỗ trợ, đề xuất ra lộ trình học tập phù hợp với từng khả năng của học sinh. Trong suốt quá trình học đó, thầy cô sẽ sử dụng các công nghệ thông minh như AI, chatbox để theo dõi, đánh giá tiến độ học tập và giải quyết những vấn đề mà các em gặp phải.
d. Học tập nhập vai thông qua XR:
Đây là một thuật ngữ chỉ tất cả các công nghệ nhập vai bao gồm AR (Thực tế tăng cường), VR (thực thế ảo) và MR (thực tế hỗn hợp). XR đã bắt đầu được triển khai ứng dụng vào một số chương trình đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư quá lớn nên chúng trở thành rào cản, làm chậm tốc độ ứng dụng xu hướng công nghệ này.
Mặc dù vậy, vẫn có một số trường học sử dụng một số công cụ thuộc công nghệ XR để tạo ra trải nghiệm học tập mới lạ cho học sinh. Ví dụ như sử dụng AR để xây dựng hình ảnh 3D về động vật, nguyên tố hóa học và các hiện tượng vật lý,… Việc ứng dụng công nghệ này không chỉ giúp các em học sinh có trải nghiệm học tập tốt hơn mà còn giúp nhà trường tiết kiệm được chi phí mua dụng cụ và thiết bị dạy học.